Bối cảnh Trận_Tương_Dương_(1267-1273)

Trước khi Hốt Tất Liệt đăng cơ, người Mông Cổ đã tiến hành các chiến dịch quân sự đến tận Đông Âu, và đã chiếm được Nga, Siberia, Tây Tạng, Cao Ly, Kim, Đại Lý, Lưỡng Hà, Tiểu ÁBa Tư. Tuy nhiên, việc chiếm nước Nam Tống vẫn khá khó khăn vì vị trí chiến lược của thành Tương Dương, vì thế Hốt Tất Liệt buộc phải chiếm và giữ vững tòa thành này. Thành Tương Dương án ngữ các thủy đạo của Nam Tống vì Hán Thủy là chi lưu chính của Trường Giang. Nếu thành này thất thủ, quân Mông Cổ sẽ dễ dàng chiếm được các thành quan trọng khác ở Nam Tống và như vậy thì triều đại này sẽ nhanh chóng sụp đổ.

Người Nam Tống nhận thức rõ tầm quan trọng của vị trí sống còn này, và đã tiến hành gia cố phòng thủ Tương Dương như phòng thủ kinh đô của họ. Thành này có ba mặt là núi, một mặt là Hán Thủy. Nam Tống đã tích trữ một lượng lớn lương thảo trong thành, để chuẩn bị đối phó với các cuộc bao vây lâu dài. Họ cũng xây dựng các bức tường cao và các tháp canh trên bốn mặt của thành. Mỗi cổng thành đều có ít nhất hai lớp tường, được dùng để bẫy lực lượng bao vây vào bên trong.

Năm 1133, danh tướng Nam Tống là Nhạc Phi đã tiến hành nhiều chiến dịch thành công chống lại triều Kim ở khu vực Tương Dương. Kể từ đó, ông đã đẩy quân Kim trở về phía bắc đến tận Khai Phong. Năm 1234, triều Kim bị Mông Cổ chinh phục dưới thời Oa Khoát Đài. Vào thời điểm đó, quân Mông Cổ và triều Nam Tống đang là đồng minh. Sau đó, hai đồng minh cũ đó đã không còn kẻ thù chung nào. Nhà Tống giết các sứ thần Mông Cổ và cố gắng chiếm các lãnh thổ của người Mông Cổ.[1]

Năm 1236, thành Tương Dương đầu hàng quân đội Đế quốc Mông Cổ mà không có sự kháng cự nào.[2][3] Nhưng người Mông Cổ đã tự rời bỏ thành sau khi chiếm giữ nó từ năm 1236 đến 1238. Hai thành cận kề nhau là Tương Dương và Phàn Thành, với các bức tường dài gần 5 km bao quanh và 20 vạn dân, đã chống lại cuộc tấn công của Mông Cổ vào năm 1257.[4] Kị binh Mông Cổ bị nhử vào trong thành Tương Dương và bị quân phòng thủ Nam Tống tiêu diệt do thiết kế tường thành 2 lớp của thành Tương Dương. Khi một lực lượng quân Mông Cổ bổ sung tiến vào cổng thành, họ bị tiêu diệt đến lính cuối cùng, vì bị bẫy trong 4 bức tường. Người Mông Cổ từ bỏ việc bao vây Tương Dương. Cái chết bất ngờ của Mông Kha đã buộc quân đội Đế quốc Mông Cổ phải rút lui khỏi đất Nam Tống vào năm 1259 – 1260.

Năm 1260, Hốt Tất Liệt và người em là A Lý Bất Ca đều được tuyên bố là người kế vị Đại hãn sau cái chết của anh trai là Mông Kha. Cuộc chiến giành ngôi Đại hãn diễn ra giữa Hốt Tất Liệt và A Lý Bất Ca bắt đầu. Hốt Tất Liệt cuối cùng đã chiến thắng, song lời tuyên bố là người kế vị Mông Kha của ông ta chỉ được những người Mông Cổ ở phía tây công nhận một phần. Năm 1271, Hốt Tất Liệt đổi quốc hiệu đế quốc thành Nguyên, thành lập triều đại Nguyên, thay vì "Ikh Mongol Uls" (Đại Mông Cổ Quốc hay Đại Mông Cổ Đế quốc).[5] Sau khi đánh bại các đối thủ và những người chống đối ở Mông Cổ và Bắc Trung Hoa, Hốt Tất Liệt cũng muốn tiếp tục sự nghiệp chinh phục Trung Hoa của ông nội Thành Cát Tư Hãn. Năm 1267, Hốt Tất Liệt ra lệnh cho A Truật (Aju) và hàng tướng nhà Tống là Lưu Chỉnh đem quân tấn công Tương Dương và Phàn Thành.